2/9 là ngày gì? Giá trị lịch sử và ý nghĩa của ngày Quốc Khánh 2/9

ngoc-hue-1 Ngọc Huệ 09/08/2022
5 / 1 đánh giá

2/9 là ngày gì? Đa phần mọi người đều biết là ngày Quốc Khánh, một trong những ngày Lễ lớn của dân tộc. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày 2/9.

Vì vậy, tiếp nối chuỗi bài ngày lễ, Thành Trung Mobile gửi đến bạn bài viết chi tiết về ngày 2/9 để bạn tham khảo nhé!   

2/9 là ngày gì? Ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn độc lập 

Ngày 2/9 là ngày gì?

Ngày 2/9 là ngày gì? Mượn lời thơ của nhà văn Tố Hữu trong bài "Sáng mồng Hai tháng Chín", để khái quát nên ngày 2/9 như sau:

"Hôm nay sáng mồng Hai tháng Chín

Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình

Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín

Bỗng vang lên tiếng hát ân tình

Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh!!!

Người đứng trên đài lặng phút giây

Trông đàn con đó vẫy hai tay

Cao cao vầng trán ngời đôi mắt

Độc lập bây giờ mới thấy đây.

Chắc hẳn những ai được chứng kiến ngày này sẽ rất tự hào và những ký ức đó đã in sâu vào trái tim.

2/9 là ngày gì? Ngày Quốc khánh Việt Nam, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Mỗi năm đến ngày này, trong trái tim mỗi người Việt Nam lại dâng lên những cảm xúc thiêng liêng và xúc động, cả dân tộc ta hướng về tưởng nhớ tới Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

2-9-la-ngay-gi-2-1659932083
Sự kiện sáng mồng Hai tháng Chín

 

Tìm hiểu về bối cảnh và lịch sử ra đời ngày 2/9 

Ngày 25/8 sau khi Hà Nội và miền Bắc khởi nghĩa giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều 26/8, Đoàn Trung ương đón Người về ở căn gác 2 tại số nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. 

Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội, đối ngoại, quyết định về việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt chính phủ lâm thời vào ngày 2/9.

Từ sáng sớm ngày mùng 2/9, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ thắm đã dồn về quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố.

Hào hứng ý chí của nhân dân được thể hiện qua các dòng chữ: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội trong nhân dân, ai ai cũng nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới - chế độ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa quảng trường Ba Đình uy nghiêm, đội tự vệ vũ trang cùng đơn vị Quân Giải phóng đầu đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, chỉnh tề, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài.

2-9-la-ngay-gi-3-1659933147
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập

 

Trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.

Tuyên ngôn nhấn mạnh: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Tất cả các quyền đó đều là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”

Ba mươi năm sau ngày "Tuyên ngôn Độc lập", năm 1975, Đảng ta, quân dân ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Tổ quốc ta được độc lập, nhân dân ta đời đời được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2//9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Thời gian đã qua đi hơn 2/3 thế kỷ, nhiều chi tiết nội dung trong Tuyên ngôn đã được nghiên cứu, làm sáng tỏ trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta càng thấy rõ những tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn chiến lược của Người thể hiện trong Tuyên ngôn.

2-9-la-ngay-gi-1-1659932008
 Bối cảnh và lịch sử ra đời ngày 2/9 

 

Ý nghĩa ngày 2/9

Ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi nhất trong hành trình mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới.

Hơn thế nữa, Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.

Ngày Quốc khánh mùng 2/9 là dịp để bất cứ người dân Việt Nam nào, đồng bào cả nước cũng như kiều bào ở nước ngoài cùng hướng về tổ quốc. Là dịp để các thế hệ nhìn lại chặng đường gian khổ và hào hùng của dân tộc, cũng cố lòng yêu nước, ra sức xây dựng đất nước.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta vẫn đang miệt mài đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức không nhỏ.

Đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các hoạt động thường diễn ra chào mừng ngày 2/9

Tổ chức mít tinh, diễu binh, diễu hành

Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành có ý nghĩa:

  • Khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.
  • Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
  • Thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ đã hy sinh tất cả vì độc lập, thống nhất của đất nước.
2-9-la-ngay-gi-8-1659936905
Đông đảo các tầng lớp trong cả nước và các đoàn khách nước ngoài đến dự lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành 

 

2-9-la-ngay-gi-9-1659937005
Đoàn diễu binh

 

2-9-la-ngay-gi-10-1659937067
Đoàn diễu hành

Tổ chức viếng thăm Lăng Bác và tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh

Một hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ 2/9 là viếng Lăng Bác. Điều này thể hiện nhớ ơn, đạo lý tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của những người con Việt Nam với Bác Hồ kính yêu.

Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, đánh dấu một bước tiến mới về đổi mới nhận thức và tư duy lý luận của Đảng. Qua đó, xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh để sánh vai với các cường quốc năm châu.

2-9-la-ngay-gi-11-1659940770
Hoạt động viếng thăm Lăng Bác

 

Tổ chức ngày hội thể thao

Thường vào các ngày lễ lớn sẽ có hoạt động hội theo đi kèm, các môn được lựa chọn như bóng đá, bóng chuyền hơi, bóng bàn, cầu lông, quần vợt...

Hoạt động hội thao nhằm động viên, thúc đẩy phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, góp phần phát triển phong trào thể dục thể thao trong cơ quan, các đơn vị với nhau, tạo bầu không khí sôi nổi, vui tươi chào mừng ngày lễ 2/9. 

Đồng thời, cũng là dịp để công nhân, viên chức, người lao động có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong công tác.

Tổ chức hoạt động văn nghệ

Vào ngày 2/9 cả nước tưng bừng tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ để kỷ niệm ngày Quốc Khánh. Đây là dịp ôn lại ý nghĩa của ngày lễ lớn và tìm kiếm những cá nhân hoặc tập thể có năng khiếu nghệ thuật để vun đắp và bồi dưỡng.

Hoạt động mang các cơ quan, đơn vị khắn khít lại với nhau và thi đua cùng tiến bộ.

2-9-la-ngay-gi-7-1659940958
Tổ chức văn nghệ chào mừng 2/9

 

Hoạt động nghỉ dưỡng, ăn uống, vui chơi

Trong năm nhân ngày nghỉ lễ 2/9, một số người sẽ chọn quây quần bên gia đình với những hoạt động đi du lịch nghỉ dưỡng hoặc đi đến các khu vui chơi, khu ăn uống để cùng người thân, bạn bè mừng ngày lễ Quốc Khánh.

Do tính chất công việc nên sẽ không có nhiều thời gian quan tâm, yêu thương người thân, gia đình và dịp nghỉ lễ 2/9 là cơ hội ngồi lại bên nhau, chia sẻ và nung đúc tình cảm. Lấy lại tinh thần và năng lượng tốt nhất để bắt đầu công việc sau ngày lễ.

2/9 năm 2022 rơi vào ngày nào? Lịch nghỉ 2/9 chi tiết

Năm 2021 là thời điểm bắt đầu thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019 với nhiều quy định mới. Điểm đ Khoản 1 và khoản 3 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 đã nêu rõ:

Điều 112. Nghỉ lễ, tết

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này"

Như vậy, kể từ năm 2021, người lao động sẽ được nghỉ làm, hưởng nguyên lương dịp Quốc khánh trong 02 ngày vào ngày 02/9 và một ngày liền trước hoặc liền sau. Việc bố trí lịch nghỉ dịp này của từng năm sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trong khi đó, trước đây, theo Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động chỉ được nghỉ 01 ngày duy nhất là ngày 02/9. Đó là điểm mới của Luật, rất được người lao động quan tâm.

Lưu ý: Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Năm 2022, ngày lễ 2/9 rơi vào thứ 6 trong tuần nên lịch nghỉ cụ thể như sau:
  • Đối với cán bộ, công chức, viên chức 

Sẽ được nghỉ lễ liên tiếp 4 ngày, từ ngày thứ Năm 1/9/2022 đến hết ngày Chủ nhật 4/9/2022.

  • Đối với người lao động có chế độ nghỉ 02 ngày/tuần (vào thứ bảy và chủ nhật):

Có 2 phương án để lựa chọn nghỉ lễ, cụ thể:

- Nếu người sử dụng lao động chọn ngày nghỉ ngày liền trước ngày 02/9 thì người lao động được nghỉ 04 ngày liên tục từ ngày 01/9/2022 đến hết ngày 04/9/2022.

2-9-la-ngay-gi-4-1659933938

Người lao động có chế độ nghỉ 02 ngày/tuần (vào thứ bảy và chủ nhật) được nghỉ lễ 2/9 liên tiếp 4 ngày 

- Nếu người sử dụng lao động chọn ngày nghỉ ngày liền sau ngày 02/9 thì người lao động được nghỉ 04 ngày liên tục từ ngày 02/9/2022 đến hết ngày 05/9/2022 (trong đó, ngày 05/9 là ngày nghỉ bù do ngày nghỉ lễ (03/9) trùng với ngày nghỉ hàng tuần).

  • Đối với người lao động có chế độ nghỉ 01 ngày/tuần (vào chủ nhật)

Có 2 trường hợp để lựa chọn nghỉ lễ 2/9:

- Nếu người sử dụng lao động chọn ngày nghỉ ngày liền trước ngày 02/9 thì người lao động được nghỉ 02 ngày liên tục từ ngày 01/9/2022 đến hết ngày 02/9/2022.

2-9-la-ngay-gi-5-1659935110

Người sử dụng lao động chọn ngày nghỉ ngày liền trước ngày 02/9 

- Nếu người sử dụng lao động chọn ngày nghỉ ngày liền sau ngày 02/9 thì người lao động được nghỉ 03 ngày liên tục từ ngày 02/9/2022 đến hết ngày 04/9/2022.

2-9-la-ngay-gi-6-1659935443

Người sử dụng lao động chọn ngày nghỉ ngày liền sau ngày 02/9, nghỉ liên tiếp 3 ngày

Kết luận

Ngày Quốc Khánh 2/9 có ý nghĩa vô cùng to lớn mở ra kỷ nguyên mới của tự do và độc lập. Thành quả đó có được là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh và biết bao anh hùng chiến sĩ đã hy sinh và cống hiến công sức cho thành công chung của dân tôc Việt Nam.

Hy vọng qua bài viết này đã giúp các bạn hiểu rõ về ngày 2/9 là ngày gì? Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi bài viết.

Bài viết liên quan

Hỏi đáp (0 lượt hỏi và trả lời)

Đánh giá của bạn :

Thông tin bình luận

Thông tin hay