Xe biển vàng là gì? Gợi ý 2 cách chuyển đổi biển vàng nhanh

Xe biển vàng là gì? Chắc hẳn là câu hỏi của nhiều bạn khi đi lưu thông trên đường đều thường xuyên nhìn thấy xe có biển màu vàng. Vậy xe biển vàng cấp cho ai? các quy định có liên quan như thế nào? Hãy cùng mình khám phá qua bài viết dưới đây nhé!

1. Khám phá xe biển vàng là gì?

Chúng ta có 3 loại biển số đặc trưng đó là xe biển xanh, xe biển đỏ và xe biển màu vàng. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu câu chuyện xoay quanh biển số vàng.

1.1. Xe biển vàng là gì?

Xe biển vàng là gì? Theo quy định của pháp luật tại Điểm đ Khoản 6 Điều 25 Thông tư 58/2020/TT-BCA thì:

đ) Biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe hoạt động kinh doanh vận tải;

Như vậy, biển số màu vàng dành riêng cho các xe kinh doanh vận tải. 

Chúng ta cần phân biệt biển số nền màu vàng, chữ và số màu đỏ là xe cấp cho khu kinh tế - thương mại đặc biệt, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế, cấp cho xe của khu kinh tế - thương mại đặc biệt hoặc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế theo quy định của Chính phủ.

Đây là một xe biển màu vàng
Xe biển vàng là gì?

1.2. Đối tượng cấp biển số vàng?

Theo Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có nêu:

1. Đơn vị kinh doanh vận tải bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

2. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

5. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định, bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh và tuyến xe buýt liên tỉnh. Trong đó:

a) Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của hai hoặc ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

6. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; 

có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu xe kinh doanh vận tải sẽ bao gồm:

  • Xe taxi.
  • Xe khách tuyến cố định (nội tỉnh và liên tỉnh).
  • Xe buýt tuyến cố định (nội tỉnh và liên tỉnh).
  • Xe chở khách theo hợp đồng, tuyến không cố định.
  • Xe chở khách du lịch.

2. Xe nào bắt buộc phải đổi sang biển số màu vàng?

Theo Điều 26 Thông tư 58/2020/TT-BCA thì các xe kinh doanh vận tải (đã nêu ở trên) khi đăng ký mới sẽ được cấp biển số màu vàng kể từ ngày 01/8/2020

Còn các xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày 01/8/2020, thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021, sau ngày này sẽ bị xử lý nếu không cấp đổi sang biển màu vàng.

Xe kinh doanh vận tải bắt buộc đổi biển số vàng
Xe kinh doanh vận tải bắt buộc đổi biển số vàng

3. Mức phạt không chuyển đổi biển số màu vàng

Tất cả các xe kinh doanh vận tải nếu không đổi sang biển số vàng sẽ vi phạm lỗi “Không thực hiện đúng quy định về biển số” quy định tại Điểm đ, khoản 7, Điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, bị phạt tiền:

  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân.
  • Từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức

4. Thủ tục chuyển đổi sang xe biển số màu vàng

Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA bạn có thể tiến hành đổi biển số xe màu vàng đó tại các cơ quan:

  • Phòng Cảnh sát giao thông.
  • Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.
  • Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ của Công an tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đơn vị tiếp nhận hồ sơ cấp đổi biển xe vàng có thời gian làm việc niêm yết từ 07h30 đến 11h30 và 13h00 đến 17h00, từ sáng thứ 2 cho đến sáng thứ 7.

4.1. Chuyển đổi biển vàng trực tiếp

Bước 1: Hồ sơ gồm có

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 58/2020/TT-BCA, các cá nhân, tổ chức 

1. Đối tượng cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe: Xe cải tạo, xe thay đổi màu sơn, xe hoạt động kinh doanh vận tải đã được đăng ký cấp biển nền màu trắng, chữ và số màu đen; gia hạn giấy chứng nhận đăng ký xe; 

giấy chứng nhận đăng ký xe bị mờ, rách nát hoặc bị mất hoặc thay đổi các thông tin của chủ xe (tên chủ xe, địa chỉ) hoặc chủ xe có nhu cầu đổi giấy chứng nhận đăng ký xe cũ lấy giấy chứng nhận đăng ký xe theo quy định của Thông tư này.

2. Đối tượng cấp đổi, cấp lại biển số xe: Biển số bị mờ, gẫy, hỏng hoặc bị mất hoặc chủ xe có nhu cầu đổi biển số 3, 4 số sang biển số 5 số; xe hoạt động kinh doanh vận tải đã được đăng ký cấp biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen.

Hồ sơ cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như sau:

  • Tờ khai đăng ký xe
  • Giấy chứng nhận đăng ký xe (trường hợp chủ xe đã đổi giấy chứng nhận đăng ký xe)
  • Biển số xe
  • Giấy tờ của chủ xe: CMND/CCCD/Hộ chiếu của chủ xe (đối với xe cá nhân) hoặc của người đi đăng ký (đối với xe tổ chức).

Lưu ý:

  • Không cần mang phương tiện cần chuyển đổi biển đến cơ quan Công an.
  • Không cần cà số máy, số khung.

Bước 2: Nộp hồ sơ chuyển đổi biển màu vàng  và đóng phí tại Phòng Cảnh sát giao thông

Chủ xe nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa - quầy tiếp nhận hồ sơ của cơ quan công an và điền thông tin chi tiết tờ khai được cán bộ tiếp nhận hồ sơ cung cấp. 

Nếu hồ sơ hợp lệ và được tiếp nhận, chủ xe cần nộp lệ phí theo Điều 5 Thông tư 229/2016/TT-BTC quy định về lệ phí chuyển đổi sang biển số màu vàng theo loại xe như sau:

  • Đối với ô tô: 150.000 đồng/lần/xe. Riêng trường hợp xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống di chuyển từ khu vực có mức thu thấp về khu vực có mức thu cao (trừ lý do di chuyển công tác hoặc di chuyển hộ khẩu) thì nộp lệ phí theo mức thu cấp mới tại khu vực di chuyển đến.
  • Đối với xe sơ mi rơ moóc đăng ký rời, rơ moóc: 100.000 đồng.

Bước 3: Nhận và gắn biển số lên xe

Đến ngày hẹn chủ phương tiện nộp biển số cũ và nhận biển số mới (chữ và số của biển số giữ nguyên, chỉ đổi nền màu biển). Khi đi, chủ xe cần chuẩn bị hồ sơ như sau:

  • Giấy hẹn bản gốc.
  • CMND/thẻ căn cước/hộ chiếu của chủ xe hoặc người đi đăng ký.
  • Giấy ủy quyền của công ty.
Nhận biển số vàng khi hoàn tất hồ sơ chuyển đổi
Nhận biển số vàng khi hoàn tất hồ sơ chuyển đổi

4.2. Chuyển đổi biển vàng online

Song song với việc cấp trực tiếp, cơ quan nhà nước cũng có triển khai thực hiện hồ sơ cấp đổi online, cụ thể:

Bước 1: Truy cập website chính thức của Phòng CSGT để thực hiện đăng ký

Bạn truy cập website https://www.csgt.vn/ rồi vào mục “Đăng ký, khai báo xe” như hình dưới đây để thực hiện đăng ký online.

Chọn đăng ký, khai báo xe để thực hiện đăng ký thủ tục online
Chọn đăng ký, khai báo xe để thực hiện đăng ký thủ tục online

Bước 2: Lựa chọn nhu cầu hồ sơ làm việc

Bạn nhấn chọn mục số 6 "Đổi lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải".

Chọn mục sô số 6 để thực hiện cấp đổi biển vàng
Chọn mục sô số 6 để thực hiện cấp đổi biển vàng

Bước 3: Khai báo hồ sơ

Bạn chọn mục “Khai báo” → nhấn chọn phần “Chủ xe khai đăng ký xe trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông”

Chọn Khai báo để đăng ký yêu cầu chuyển đổi
Chọn Khai báo để đăng ký yêu cầu chuyển đổi

Bước 3: Đăng ký

Khai báo đầy đủ thông tin theo mẫu bên dưới đây. Sau đó chọn “Đăng ký”.

Khai báo theo biểu mẫu
Khai báo theo biểu mẫu 

Bước 4: Liên hệ cơ quan đã đăng ký để đặt lịch hẹn.

Bước 5: Mang hồ sơ đến Phòng CSGT theo lịch hẹn và hoàn tất thủ tục.

Căn cứ vào lịch hẹn trước, chủ xe cần chuẩn bị một số giấy tờ như sau để nhận biển vàng tại Phòng CSGT:

  • Giấy khai đăng ký xe đối với xe cá nhân (in trực tiếp từ tờ khai online).
  • Công văn kèm theo danh sách đề nghị đổi biển số (đối với chủ xe là doanh nghiệp, hợp tác xã).
  • Biển số xe.
  • Giấy tờ của chủ xe: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Sổ hộ khẩu (chủ xe cá nhân) hoặc của người đến đăng ký xe (đối với xe tổ chức).
  • Giấy ủy quyền (đối với xe cơ quan, tổ chức).

Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, người đến đăng ký cần nộp lệ phí (tương tự như hình thức trực tiếp) và nhận biển số vàng.

Nhận biển số xong khi hoàn thành hồ sơ đăng ký
Nhận biển số xong khi hoàn thành hồ sơ đăng ký

5. Thời hạn cấp đăng ký, biển số xe vàng bao lâu?

Theo Điều 4 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định:

Điều 4. Thời hạn cấp đăng ký, biển số xe

1. Cấp lần đầu, cấp đổi biển số xe: Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe hợp lệ.

2. Cấp giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời và biển số xe tạm thời: Trong ngày.

3. Cấp lần đầu, cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký xe, cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe: Không quá 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

4. Cấp lại biển số xe bị mất, biển số xe bị mờ, hỏng: Không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

5. Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe bị mất: Không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Như vậy, khi bạn hoàn tất hồ sơ đăng ký mới hay cấp đổi biển số vàng sẽ được nhận ngay biển số sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe hợp lệ.

Trên đây là tất cả các thông tin liên quan biển số vàng, hy vọng qua bài viết của Thành Trung Mobile giúp bạn hiểu hơn về loại biển số này cũng như biết được 2 cách chuyển đổi biển số xe vàng.

Cảm ơn bạn đã theo dõi đến những dòng cuối cùng này của bài viết xe biển vàng là gì?

Hoàng Taba

Kỹ thuật viên

Tác giả Hoàng Taba là kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại và SmartWatch với hơn 5 năm kinh nghiệm. Tốt nghiệp Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện Tử tại ĐH HUTECH, HCM

Hỏi đáp (0 lượt hỏi và trả lời)

Đánh giá của bạn :

Thông tin bình luận