Các hãng điện thoại trên thế giới đến từ đâu và có những ưu điểm gì?

hoang-lee Hoàng Taba 02/04/2021
4 / 1 đánh giá

Với sự xuất hiện và phổ biến rộng rãi của các loại điện thoại thông minh, đã đưa con người một bước tiến gần hơn với thế giới kết nối. Bài viết hôm nay, chúng ta hãy cùng điểm qua các hãng điện thoại đã "làm mưa làm gió" suốt thời gian qua. Xem xem ai là "ông hoàng" thật sự trong lĩnh vực chưa bao giờ ngừng hot này.

cac-hang-dien-thoai-1

Tổng quan về sự thay đổi của thị trường điện thoại thời gian vừa qua

Xuất hiện lần đầu tiên vào giai đoạn 2007-2008. Nhưng đến khoảng 3 năm sau, các mẫu điện thoại thông minh mới dần có mặt ở Việt Nam. Và chỉ chờ như vậy, thị trường tiêu dùng smartphone phát triển như một miếng bánh lớn khiến các ông lớn công nghệ "thèm thuồng".

Lần lượt các thương hiệu có tiếng đã ghé đến, cạnh tranh nhau giành lấy thị phần. Cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng. Không chỉ riêng ở nước ta mà còn ở tất cả các nước khác trên thế giới.

Vậy đâu là những cái tên quen thuộc nhất với người dùng smartphone Việt Nam? Hãy cùng nhau điểm qua một chút thông tin về chúng.

1. Apple

cac-hang-dien-thoai-2

Ngay thời điểm này, tập đoàn công nghệ Mỹ Apple đang là thương hiệu đắt giá thứ hai thế giới, chỉ sau Amazon. Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành tích này chính là doanh số bán iPhone hàng năm. Ắt hẳn đã rất nhiều lần bạn nghe về những hàng người nối đuôi nhau xếp hàng chờ được mua phiên bản iPhone mới nhất.

Hay các chủ đề về iPhone luôn trở thành đề tài bàn tán nhiều nhất mỗi khi nhắc đến các loại điện thoại thông minh hiện nay. Có thể nói, thương hiệu điện thoại đến từ Hoa Kỳ luôn có một lượng fan cứng không hề nhỏ, trông chờ được nắm trên tay từng mẫu điện thoại mới nhất.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chẳng hề ngẫu nhiên để Iphone có được vị thế như hiện nay. Tốc độ xử lý nhanh, camera sinh động, thiết kế mới lạ,... đều là những điểm người dùng đánh giá cao ở mẫu điện thoại này. Và hoàn toàn hợp lý khi Apple là Tập đoàn Công nghệ đứng đầu về giá trị như hiện nay.

2. Samsung

cac-hang-dien-thoai-3

Đến từ xứ sở kim chi Hàn Quốc, Samsung được xem là đối thủ hàng đầu trên thị trường của iPhone. Mặc dù khai thác hai nền tảng hệ điều hành khác nhau là iOS và Android, hiệu năng hoạt động của điện thoại đến từ hai thương hiệu này vẫn thường đặt lên bàn cân so sánh.

Một điểm nữa khiến Samsung khác với Apple chính là chiến lược đa dạng thị trường của họ. Thay vì chỉ chú trọng vào phân khúc thu nhập cao, họ còn cho ra rất nhiều sản phẩm phù hợp cho những người thu nhập trung bình, khai thác triệt để tiềm năng đến từ phân khúc béo bở này.

Ngoài ra, Samsung còn rất đầu tư vào marketing, thường xuyên đưa ra những chiến dịch quảng bá rộng rãi ở quy mô lớn.

3. Huawei

cac-hang-dien-thoai-4

Là cái tên bị "tổn thương" nhiều nhất trong những căng thẳng đến từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Huawei đã và đang trải qua một khoảng thời gian đầy sóng gió. Tập đoàn Công nghệ hàng đầu Trung Quốc vốn dĩ đã ngấp nghé đến ranh giới của hai đối thủ trên, nhưng chỉ trong phút chốc, mọi thứ đều trở nên vô nghĩa.

Trước đó, việc đấu thầu thành công các dự án công nghệ lớn ở các quốc gia đã không ngừng nâng tầm thương hiệu này lên những nấc thang mới. Song các bê bối liên tiếp xảy đến với họ, và cũng chẳng ai biết được khi nào Huawei mới có thể phục hồi lại như lúc ban đầu.

4. LG

cac-hang-dien-thoai-5

Lại là một thương hiệu khác đến từ Hàn Quốc, song danh tiếng của LG có phần không "hào nhoáng" bằng Samsung. Mặc dù vậy, họ vẫn duy trì việc tung ra thị trường các mẫu điện thoại mới, ứng dụng vào đó nhiều công nghệ do chính công ty phát minh.

Một trong những ưu điểm nổi trội của LG chính là việc sản xuất các loại màn hình. So với phân khúc điện thoại tầm tầm, thế mạnh của LG nằm ở việc nghiên cứu cải tiến các loại màn hình, tivi. Từ đó, họ áp dụng một phần ưu thế này vào các mẫu smartphone. Vô hình chung tạo ra được điểm nhấn nổi bật của riêng mình.

5. Nokia

cac-hang-dien-thoai-6

Đã từng là đế chế thống trị thị trường điện thoại di động suốt một khoảng thời gian dài, Nokia giờ đây chỉ còn lại một cái tên đang để người ta ghi nhớ. Chính triết lý kinh doanh chậm chạp, cố chấp của thương hiệu này đã khiến nó không thể thích nghi kịp với xu hướng smartphone thời buổi hiện đại.

Để rồi thương hiệu đến từ Phần Lan phải dừng hoạt động sản xuất điện thoại vào năm 2013 sau hơn 150 năm một cách đầy tiếc nuối.

Sau khi ký hợp đồng chuyển giao tất cả mọi thứ liên quan đến điện thoại cho Microsoft, tình hình của Nokia vẫn không hề sáng sủa hơn. Việc sử dụng hệ điều hành Microsoft tuy rất tiện cho công việc, nhưng các tiện ích giải trí lại cực kỳ nghèo nàn.

Và bởi lý do đó, Microsoft cũng đành phải rút lui, giao quyền nắm giữ Nokia cho FIH và HMD. Năm 2018, cái tên Nokia đã chính thức trở lại. Gây ra khá chú ý trong phân khúc điện thoại tầm trung. Mặc dù vậy, trước sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu khác, rất khó để Nokia quay lại được thời kỳ đỉnh cao trước đây.

6. Sony

cac-hang-dien-thoai-7

Song hành cùng Nokia ở thời kỳ hoàng kim chính là Sony - Tập đoàn Công nghệ Nhật Bản. Nhưng khác với Nokia lụn bại trên lối mòn mình tạo ra, Sony thích nghi khá tốt và ổn định. Đáng chú ý nhất trong các sản phẩm smartphone Sony là dòng Xperia. Tập trung chủ yếu vào phân khúc cao cấp với nhiều tính năng nổi trội.

Nhưng đa phần các đánh giá đều cho rằng Sony khá "kén" người dùng. Nếu bạn là một tín đồ công nghệ đơn thuần, Sony là sự lựa chọn hết sức đúng đắn. Song nếu bạn quan tâm nhiều hơn đến thiết kế, đến camera, đến giải trí,... đây sẽ không phải là chiếc điện thoại bạn nên sở hữu.

7. Xiaomi

cac-hang-dien-thoai-8

Trong tất cả các thương hiệu điện thoại ở đây, có lẽ Xiaomi chính là "em út" với vỏn vẹn 9 năm hình thành và phát triển. Tuy nhiên, quy mô của tập đoàn này không thể chỉ dùng số năm thành lập mà hình dung.

Ở thời điểm hiện tại, Xiaomi đang đứng thứ 4 thế giới về sản xuất và phân phối điện thoại. Thậm chí cạnh tranh sòng phẳng với Samsung tại thị trường màu mỡ Ấn Độ. Sự phát triển thần tốc của thương hiệu Trung Quốc là điều khó ai có thể tưởng tượng nổi.

Tại Việt Nam, Xiaomi cũng là một trong những thương hiệu được ưa chuộng nhất. Chưa nói đến gì khác, chỉ riêng độ bền bỉ của nó đã đủ để người ta phải nể phục. Quan trọng là giá thành cực ổn và mức pin rất trâu ở hầu hết các mẫu điện thoại.

Mặt khác, câu chuyện khởi nghiệp của Xiaomi còn mang đến rất nhiều cảm hứng cho người trẻ. Kết hợp cùng việc sáng tạo không ngừng, phát triển thành Tập đoàn đa dụng, Xiaomi ngày càng khẳng định vị thế của mình.

8. Oppo

cac-hang-dien-thoai-9

Tiếp tục là một thương hiệu điện thoại đến từ Trung Quốc, hành trình Oppo lấn sân vào thị trường Việt Nam có thể nói là cực kỳ hoành tráng. Với hiệu năng không mấy nổi trội nhưng lại bán ở tầm giá trung bình cao, Oppo được biết đến chủ yếu bởi những tính năng chụp hình cực kỳ lung linh.

Thêm vào đó, họ có chiến lược marketing trực diện, ồ ạt mang lại hiệu quả rất lớn. Có thời điểm, chỉ cần bật tivi lên là người ta lại thấy Oppo trên đó. Hết quảng cáo lại đến tài trợ các chương trình giải trí, cái tên Oppo xuất hiện mọi lúc mọi nơi.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rõ ràng rằng, quá trình thu hút này đã mang đến cho họ những thành công hết sức nhanh chóng.

9. Motorola

cac-hang-dien-thoai-10

Là thương hiệu điện thoại lâu đời đến từ Mỹ, Motorola từng có thời kỳ đỉnh cao song hành cùng Nokia. Nhưng may mắn hơn "ông bạn" cùng thời, Motorola tới thời điểm hiện tại vẫn còn chút chỗ đứng trên thị trường.

Cạnh tranh không lại những tên tuổi lớn trong thời gian gần đây, song Motorola vẫn thỉnh thoảng cho ra một vài mẫu điện thoại mới, hâm nóng lại tên tuổi của mình. Mới đây, đã có một vài thông tin rò rỉ về sản phẩm sắp sửa ra mắt của thương hiệu. Và hãy cùng trông chờ xem Motorola có gì mới trong lần trở lại này.

10. HTC

cac-hang-dien-thoai-11

Đã từng có một thời, bất kỳ sản phẩm nào của HTC tung ra thị trường đều nhận được rất nhiều sự yêu thích của công chúng. Vào khoảng năm 2015, các sản phẩm smartphone của thương hiệu Đài Loan này thậm chí còn chiếm lĩnh nhiều vị trí trong top 10 điện thoại hiệu năng tốt nhất. HTC One M1 còn giành lấy vị trí số 1 vô cùng thuyết phục.

Song tất cả những điều trên chỉ còn là câu chuyện của quá khứ. Hiệu năng của HTC rất tốt, rất đáng để sở hữu. Nhưng nó cũng ngày càng bộc lộ nhiều khuyết điểm hơn. Cùng với đó, sự bứt phá của iPhone và Samsung khiến HTC phần nào đó dần mất đi thị phần.

Dù vậy giờ đây, họ vẫn đang có được cho mình một lượng khách hàng trung thành ổn định. Các sản phẩm tung ra thị trường vẫn được giới mộ điệu hết sức săn đón.

11. Vivo

cac-hang-dien-thoai-12

Cũng là một thương hiệu điện thoại khá non trẻ đến từ Trung Quốc, Vivo gần đây đã và đang "rục rịch" tiến công vào thị trường Việt Nam. Nhắm chủ yếu đến các khách hàng trong phân khúc thu nhập trung bình thấp, điện thoại Vivo được đánh giá là tương đối phù hợp cùng mức giá.

Với các hiệu năng khá hoàn chỉnh, Vivo là sự lựa chọn tối ưu dành cho các bạn sinh viên hoặc những người có mức thu nhập không quá cao.

Tóm lại, dù đến từ thương hiệu nào thì các mẫu smartphone hiện nay đều buộc phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hiệu năng, thiết kế. Một khi đã hướng trọng tâm vào phân khúc nào thì phải đảm bảo khoanh vùng được phân khúc đó. Không để các thương hiệu khác giành lấy hết phần hơn.

Bởi ngoài 11 thương hiệu đã kể trên, còn có hàng loạt tên tuổi khác, với rất nhiều cách khác nhau, không ngừng khiến cho các khách hàng phải dao động.

Thông qua bài viết tổng hợp trên đây, mong rằng bạn đã có được một số hiểu biết chung về các hãng điện thoại trên thế giới. Cũng như thấy được sự thăng trầm của ngành hàng này trong suốt thời gian qua!

Bài viết liên quan
Móc dán điện thoại Ring Hook

Móc dán điện thoại Ring Hook

Hoàng Taba Hệ điều hành iOS

Hỏi đáp (0 lượt hỏi và trả lời)

Đánh giá của bạn :

Thông tin bình luận